Viêm loét dạ dày – tá tràng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa. Vì căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân nên mỗi người cần chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh sớm.
1. Viêm loét dạ dày tá tràng – Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Viêm loét dạ dày – tá tràng xảy ra khi lớp niêm mạc (lớp màng lót trong cùng) của dạ dày – tá tràng bị tổn thương. Lúc này, các lớp bên dưới thành dạ dày hoặc thành ruột sẽ bị lộ ra.
Những nguyên nhân thường gặp gây viêm loét dạ dày – tá tràng gồm:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP);
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Dùng thuốc kháng viêm, giảm đau lâu ngày gây ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin – chất bảo vệ dạ dày;
- Thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu, bia;
- Stress, căng thẳng thường xuyên;
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ: Sử dụng đồ uống có cồn, ăn đồ nhiều dầu mỡ, nằm ngay sau khi ăn, ăn quá nhanh, ăn không đúng bữa, thức quá khuya,…
Một dấu hiệu điển hình của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là rối loạn tiêu hóa. Viêm dạ dày gây rối loạn tiêu hóa như sau: Dạ dày bị tổn thương khiến việc hấp thu các dưỡng chất từ thức ăn bị ảnh hưởng. Quá trình đào thải bị rối loạn khiến người bệnh gặp các triệu chứng bất thường ở cơ quan tiêu hóa như: Buồn nôn, đau bụng, chướng bụng, rối loạn đại tiện,…
2. Triệu chứng nhận biết rối loạn tiêu hóa do viêm loét dạ dày – tá tràng
Rối loạn tiêu hóa tác động tới một hoặc nhiều cơ quan trong hệ tiêu hóa. Do đó, người bệnh cần hết sức chú ý tới những biểu hiện dù là nhỏ nhất trên cơ thể. Nếu thấy có những dấu hiệu cảnh báo rối loạn tiêu hóa điển hình dưới đây thì bệnh nhân nên đi thăm khám càng sớm càng tốt:
- Xuất hiện cơn đau âm ỉ ở vùng bụng trên hoặc bụng dưới, cảm giác đau càng rõ rệt hơn khi người bệnh ăn đồ chua, đồ cay nóng hoặc để bụng quá đói;
- Người bệnh có cảm giác căng tức vùng bụng, đặc biệt là sau bữa ăn. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do thức ăn không tiêu hóa hết và bị ứ đọng bên trong ống tiêu hóa;
- Bệnh nhân có cảm giác nôn nao hoặc thường xuyên nôn ói do đường tiêu hóa bị kích thích;
- Người bệnh bị táo bón, đại tiện nhiều lần, tiêu chảy, phân lẫn máu,… Triệu chứng này là do chức năng đào thải của hệ tiêu hóa bị suy giảm;
- Bệnh nhân bị chán ăn, cơ thể suy nhược, sụt cân.
3. Cách điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng, kiểm soát rối loạn tiêu hóa
Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, bệnh dễ tiến triển thành mạn tính, gây khó khăn cho việc điều trị dứt điểm và dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Do vậy, để điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng và kiểm soát tình trạng rối loạn tiêu hóa do căn bệnh này gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định như sau:
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt: Người bệnh cần lưu ý ăn thức ăn mềm, ăn chậm, nhai kỹ, chia thành nhiều bữa trong ngày, không nên ăn quá no, tránh các chất kích thích, đồ ăn nhiều dầu mỡ, gia vị mạnh. Đồng thời, bệnh nhân nên đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, tránh căng thẳng và lo âu;
- Chế độ thuốc: Một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng gồm:
- Nhóm thuốc kháng acid: Có tác dụng trung hòa acid trong dạ dày và tá tràng nhưng không gây ảnh hưởng tới hoạt động bài tiết dịch vị ở cơ quan này. Nhóm thuốc kháng acid có chứa nhôm, kali và magie hydroxyd. Thuốc thường được uống sau khi ăn khoảng 1 giờ;
- Nhóm thuốc chẹn H2: Có tác dụng giảm hoạt động tiết acid của dạ dày và tá tràng. Thuốc này thường được sử dụng ở dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch;
- Nhóm thuốc ức chế bơm proton;
- Nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống acid dạ dày;
- Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn HP;
- Lưu ý: Vấn đề chọn loại thuốc, liều dùng, thời gian dùng thuốc tùy theo tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Do đó, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp, không được tự ý dùng thuốc.
4. Dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng bị rối loạn tiêu hóa
Người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bệnh nhân cần bổ sung một số loại thực phẩm và kiêng khem một vài thực phẩm. Cụ thể:
4.1. Thực phẩm tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Người bệnh nên ưu tiên bổ sung những thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn uống của mình:
- Sữa và trứng có tác dụng trung hòa lượng acid có trong dạ dày. Người bệnh nên uống sữa ấm, ăn trứng hấp hoặc trứng nấu cùng cháo. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ nên ăn trứng 2 – 3 lần/ tuần, mỗi lần dùng 1 – 2 quả, không nên ăn nhiều hơn;
- Rau xanh và hoa quả có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giảm viêm, nhuận tràng và bổ sung nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể. Các loại rau, quả tốt cho người bị viêm loét dạ – dày tá tràng và rối loạn tiêu hóa là: Cải ngọt, cải thìa, bắp cải, táo, cam, kiwi,…;
- Thực phẩm chứa nhiều đạm dễ tiêu như thịt lợn, cá nạc,…;
- Dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu vừng, dầu đậu nành, dầu hạt cải,…;
- Mật ong và nghệ là bài thuốc dân gian có tác dụng kháng viêm, giảm tiết dịch vị và kiềm hóa độ acid của dịch vị dạ dày;
- Bánh mì là một lựa chọn tốt từ nhóm đường bột với ưu điểm ít béo, dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng không nên ăn bánh mì quá nhiều để tránh đầy bụng.
4.2. Thực phẩm bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng nên kiêng thực phẩm nào?
Một số loại đồ ăn, đồ uống mà người bệnh cần hạn chế gồm:
- Thực phẩm chế biến sẵn: Lạp sườn, xúc xích, giăm bông,… vì chúng có thể gây đầy hơi, tăng khí thải ở đường ruột;
- Thức ăn cứng và dai như: Thịt nhiều gân, sụn, rau có nhiều chất xơ, quả xanh sống,…;
- Gia vị cay nóng, muối chua: Ớt, tiêu, giấm tỏi, dưa hành, cà muối,…;
- Các loại hoa quả có vị chua: Xoài xanh, sấu, chanh, cóc,…;
- Các loại nước có ga, chất kích thích, rượu bia,… vì có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày;
- Chè, cà phê đặc,… gây mất ngủ, ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày và gây đau dạ dày.
Lưu ý khi chế biến thực phẩm cho bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng:
- Chế biến bằng cách thái nhỏ, nấu nhừ thực phẩm;
- Nên ăn thức ăn ngay sau khi nấu, hạn chế để lâu vì sẽ làm mất đi các dưỡng chất quan trọng;
- Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, ăn đồ đã được nấu chín để tiêu diệt mọi vi khuẩn, mầm bệnh.
5. Điều chỉnh lối sống cho người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng
Để kiểm soát bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng và ngăn ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa, người bệnh cần lưu ý:
- Ăn chậm, nhai kỹ. Sau khi ăn không nên vận động mạnh, tập thể dục, chạy nhảy hoặc làm việc quá sức;
- Bữa ăn cuối trong ngày cần cách giờ đi ngủ khoảng 3 giờ. Không nên ăn quá khuya vì sẽ khiến dạ dày phải hoạt động quá tải về đêm;
- Có chế độ làm việc, thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý;
- Tìm các biện pháp thư giãn tâm lý, tránh tình trạng căng thẳng, stress;
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, không nên hút thuốc lá;
- Dùng các loại thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Viêm loét dạ dày – tá tràng thường gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, người bệnh không nên chủ quan, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh cũng cần duy trì các thói quen tốt để tình trạng viêm loét không có cơ hội tái phát.